Tin tức - Sự kiện

Hướng Hóa là huyện miền núi, vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Trị. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã, thị trấn biên giới và thuộc khu vực biên giới; có 03 dân tộc sinh sống gồm dân tộc Kinh chiếm khoảng 50%, còn lại chủ yếu là người Bru Vân Kiều, PaKô.

Trong đời sống tâm linh của người đồng bào Bru - Vân Kiều không thể thiếu nghi lễ cúng “Vị thần cai quản” hay còn gọi là “Thổ địa”.  Đây là vị thần mà theo quan niệm của người đồng bào Bru Vân Kiều sẽ mang lại cho họ cuộc sống no, ấm.

Theo thông lệ, thường thường cứ 10 đến 15 năm người Bru Vân Kiều lại tổ chức lớn lễ cúng “vị thần cai quản”, trước khi tổ chức lễ cúng già làng sẽ khấn xin phép được vào nơi đền thờ để tổ chức tổng vệ sinh, phát quang làm bãi để tiến hành lễ cúng. Lễ cúng “Vị thần cai quản” của đồng người Bru Vân Kiều diễn ra trong vòng 2 ngày 1 đêm, trước khi diễn ra lễ cúng, khi ông mặt trời còn chưa gác núi, dân bản cùng khách mời là nghệ nhân từ những bản xa trong những bộ trang phục đẹp nhất đã kịp có mặt để cùng nhau nhảy múa theo dọc con suối. Cũng vào thời gian này, việc mổ gà, nấu cơm, luộc trứng… làm lễ cúng đã được đàn ông trong bản chuẩn bị hết sức chu đáo. Khi mặt trời vừa đi ngủ thì cũng là lúc mọi người kéo nhau tập trung về địa điểm chính nơi diễn ra lễ cúng. Cùng lúc này, già làng là người  chủ lễ, ngồi vào vị trí trang trọng và khấn: “Hôm nay dân bản tổ chức lễ cúng để cầu nguyện cho đất trời, ông bà tổ tiên phù hộ, cầu cho cuộc sống ấm no, con cháu học hành đỗ đạt, nông sản được mùa, gia cầm, gia súc đầy đàn, làng bản bình yên, an vui,  đất nước được phồn vinh”. Sau lời khấn của già làng tại gian chính nơi đặt những lễ vật quan trọng của buổi lễ, thầy mo thay mặt dân bản mời ông trời xuống dự lễ, ăn uống và nhận lời cầu nguyện của thầy mo cùng các già làng. Tiếng của thầy mo cất lên lúc trầm, lúc bổng hòa trong tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng vang vọng. Họ không chỉ cầu mong cho mùa màng tươi tốt, bội thu, mà còn cầu mong cho cuộc sống dân bản luôn được bình yên, tránh được ốm đau dịch bệnh, thiên tai, mọi người luôn thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.  Trong khi thầy mo và các già làng tiến hành lễ cúng thì dưới cây nêu, nơi buộc vật hiến tế (trâu, dê), đông đảo dân bản già trẻ, gái trai sẽ cùng nhau nhảy múa, thưởng thức ngụm rượu cần mềm môi. Và cứ thế cuộc vui sẽ diễn ra đến sáng hôm sau...Người Bru Vân Kiều thường chọn địa điểm làm miếu là ven bờ suối, có cây cổ thủ cao lớn khoảng vài chục mét, cành lá xum xuê bóng mát cách lành khoảng vài trăm mét.


Già làng ông Vổ Mên (Pả Cưm) khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết:“lễ cúng “Vị thần cai quản” năm nay của khối vừa tròn 15 năm mới tổ chức một lần. Đây là một lễ cúng lớn và không thể thiếu trong phong tục, tập quán của người Bru Vân Kiều. Lễ cúng này, khác với những lễ cúng khác là nó mang tính cộng đồng cao, tất cả các vật lễ đều được bà con đóng góp, không phân biết dòng tộc, không phân biệt người miến ngược hay miên xuôi, đã cùng một cộng đồng đều phải tham gia và chính lúc đó là dịp mà thần linh lắng nghe lới nguyện cầu của người dân đối với họ”.


Đối với cộng đồng người Bru Vân Kiều, bất cứ ở đâu cũng đều tổ chức lễ cúng “Vị thần cai quản”, nhưng tùy theo mỗi cộng đồng thống nhất thời gian tổ chức có thể là 10 năm hoặc 15 năm thì tổ chức cúng lớn một lần, còn hằng nằm thì chỉ cúng nhỏ như lợn, gà nhưng nhất thiết phải cúng. Hiện nay, đến người lớn tuổi nhất ở cộng đồng người Bru Vân Kiều cũng không rõ lễ cúng “Vị thần cai quản” đã có từ bao giờ. Nhưng đối với họ, đây là đời sống tâm linh cũng như văn hóa của đồng bào người Bru Vân Kiều được lưu dữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và cho đến ngày hôm nay, hy vọng nét văn hóa này mãi mãi truyền lại cho các thế hệ mai sau.

                                                                         Ngọc Tình - NT

 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 50

Trong tuần: 117

Trong tháng: 7,289

Tổng lượt truy cập: 136,352