Tin tức - Sự kiện

Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 3420/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, lễ hội Ariêu piing của người Tà Ôi (Pa Kô) ở huyện Đakrông và Hướng Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ariêu piing còn gọi lễ nhà mồ, lễ cải táng. Đây là lễ hội lớn nhất, mang đậm những nét riêng của người Tà Ôi (Pa Kô) nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ những người đã khuất.


Nội dung chính lễ hội Ariêu piing là những nghi lễ liên quan đến người chết, trong đó những quan niệm về chết tốt hay chết xấu có ảnh hưởng nhất định đến tập tục về tang ma của người Pa Kô: phân biệt hình thức tổ chức tang ma. Theo đồng bào Pa Kô mỗi cái chết luôn có những tác động khác nhau đến cuộc sống hiện tại, theo đó phải có những cách ứng xử khác nhau. Đồng bào cho rằng người chết chưa hẳn đã mất đi mà tiếp tục chuyển sang tồn tại ở thế giới khác. Trong sự tồn tại đó, linh hồn của người chết vẫn có quan hệ với người sống. Điều này được phản ánh trong những quy định của tập tục về cúng tế, ma chay, mai táng cho người chết, đặc biệt là những điều kiêng cữ mà người sống phải tuân thủ thực hiện. Có thể thấy điều này rất rõ trong nội dung của tập tục về vấn đề tang ma.

Tục lệ của người Pa Kô quy định: những người chết lành được chôn trong nghĩa địa của làng. Trong làng mỗi dòng họ (mu) có một khu vực chôn cất riêng. Người chết của Mu nào sẽ chôn theo khu vực của mu đó không được chôn lẫn lộn. Hình phạt cao nhất đối với việc chôn lẫn lộn là phạt lợn, gà, rượu... để cúng Yàng Cumúi ( trời, người chết). Tục lệ của người Pa Kô cấm những hành vi phá hoại đối với các khu rừng nơi có nghĩa địa. Ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy định. Đồng bào Pa Kô cho rằng rừng ma là nơi các vị thần và ma quỷ trú ngụ nếu vi phạm sẽ gây kinh động tới ma quỷ, ma quỷ sẽ nổi giận và trả thù lại dân làng.

Bên cạnh đó, tập tục của người Pa Kô còn quy định khi chôn phải tuân thủ nguyên tắc đầu quay về hướng Tây, chân quay về phía Đông, ông bà chôn trên cao, con cháu chôn dưới thấp... Đối với đồng bào Pa Kô chôn cất xong không có nghĩa là hết trách nhiệm với người chết mà gia đình còn phải thực hiện nhiều thủ tục như mở cửa mã, làm lễ cải táng hay hàng năm phải tổ chức cúng giỗ.

Tang ma của những người chết xấu không được tổ chức ăn uống linh đình, không được kéo dài ngày, nhưng cũng không được cúng bái sơ sài. Sau khi mai táng người chết xấu xong phải tổ chức làm lễ tống quái. Ngoài ra, tập tục còn quy định, nếu trong một thời gian xảy ra nhiều trường hợp chết xấu, trưởng làng phải làm lễ hiến sinh cầu an.

Tuy không giải thích một cách thấu đáo và có cơ sở nhưng những quy định về kiêng cữ này được đồng bào thực hiện một cách nghiêm túc, ít để xảy ra sai phạm.

Hiện nay tang ma của đồng Pakô vẫn còn phân biệt chết lành, chết dữ chỉ ở trong một số dòng họ.

Công đoạn người chết thì được chôn trong quan tài gọi là tureng (quan tài), có nhà chôn bằng việc quấn chiếu. Huyệt mộ thường đào sâu 0,6 - 1m, khi lấp đất không vun thành nấm nhưng chỉ san bằng mật đất đánh dấu bằng một viên đá tảng. Chết lành được chôn trong rừng ma, đây là khu đất thiêng liêng, không được chặt cây lấy gỗ hoặc đốt nương làm rẩy, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng, phải tạ tội với Yàng(trời), cu múi (người chết).

Đối với người Pa Kô việc chôn cất người chết chỉ là tạm thời, công việc kết thúc là lúc tổ chức lễ hội Ariêuping “Dela-cu mui” (cải táng cho người đã khuất). Thời gian từ khi chôn cất cho đến khi cải táng lâu hay mau còn tuỳ thuộc nhiều lý do, lý do quan trọng là cơ sở vật chất. Để tổ chức được lễ cải táng (Ariêuping) gia đình phải có nhiều trâu bò, heo, gà, gạo, nếp, tiền của...

Khi cất bốc mộ về đặt tại nơi trung tâm làng chuẩn bị cho những nghi lễ truyền thống, bao bọc xung quanh quan tài là những người thân trong gia đình dòng họ. Giữa những âm thanh rộn ràng của tiếng trống, tiếng, cồng, chiêng, kèn là những làn điệu hát kể lễ, thay nhau nói, nhảy múa, kể chuyện... về người quá cố, đây là dịp tỏ bày tình cảm lần cuối trước khi đưa hài cốt đến “ping” (nhà mồ). Diệu múa nhà mồ với những người nam và người nữ trong những bộ quần áo mới mang đậm màu sắc tộc người đã được ra đời trong khung cảnh đó. Trong khi múa (Pa-yôk) động tác của người phụ nữ nhịp nhàng, uyển chuyển, còn động tác của nam giới thì khoẻ mạnh dứt khoát...Hết thời gian tổ chức lễ hội các dòng họ, dân trong làng và các làng lân cận đưa quan tài, hài cốt đến nơi nhà mồ của dòng họ trong làng “ping”.

Nhà mồ “ping” được làm bằng gỗ (ngày nay có nơi xây bằng bê tông cốt thép), trên có mái lợp bằng tre lồ ô hay các nguyên liệu khác của núi rừng (hoặc tấm lợp mua ở dưới miền xuôi). Sau khi làm nhà mồ xong các nghệ nhân người Pa Kô còn dùng các loại cây gỗ quý để cưa, đục, đẽo thành các hình tượng người nam, người nữ để đặt tại nơi “ping” (nhà mồ) như là một nét văn hoá tâm linh nhằm bảo vệ cho “cu múi” (người chết) được nghĩ yên trong cỏi vĩnh hằng. Các hàng cột của nhà mồ người Pa Kô có trang trí hoa văn hình người, hình rắn, hình chim... Nhà mồ của người Pa Kô là một công trình nghệ thuật độc đáo.

Làm nhà mồ (ping), đưa hài cốt về tổ chức Ariêuping tức là người sống đã hoàn thành trách nhiệm với người đã khuất. Các “cu múi” giờ đã có nơi yên nghĩ vĩnh hằng, đã đi khỏi vùng đất quê hương, chuyển sang sống cuộc sống ở cỏi trời. Sau lễ Ariêuping, không còn ai nhắc đến người đã khuất và hình bóng người quá cố đã chìm dần vào cỏi hư vô.

Sau phần lễ người ta tổ chức phần hội là nghi thức đâm trâu, đâm dê; lúc này toàn bộ người đến tham dự cùng hát, múa chung quanh cột đâm trâu hoà cùng với các loại nhạc cụ thuộc bộ gõ: trống, cồng, chiêng; bộ thổi: khèn, khlui...; bộ dây : aman; ta lư...cùng hoà tấu các làn điệu dân gian mang âm hưởng của những lời tự sự chia buồn cùng người quá cố. Tất cả đều đọng lại cho người đến chia buồn như một bản hợp xướng mang đậm ý nghĩa tri ân.

Sau khi tổ chức ăn uống xong, người ta lại tổ  chức nhảy múa xung quanh các  rạp để hài cốt. Khi tổ chức nhảy múa, người ta hát những bài có  nội dung nhắn nhủ với người chết rằng mọi việc  đã xong. Ngoài ra, người ta còn hát làn điệu Aroi- chủ yếu kể lại với người chết họ sinh ra, lớn lên như thế nào, những đóng góp của người quá cố cho bản làng, dặn dò đường đi, lối về sau khi được chôn cất (làn điệu này phải hát bài bản, nếu không Yàng bắt tội).

Ở rạp đón khách mời của làng, người ta tổ chức hát ca lơi cha chấp (nội dung thể hiện tâm tư, tình cảm đối với nhau, ca ngợi quê hương, đất nước, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt...)

Lễ hội Ariêuping là lễ hội đoàn kết của tộc người Pa Kô. Đây là lễ hội thờ kính ông bà, tổ tiên; Đến ngày đã  định (thông thường 5- 10 năm thì tổ chức một lần) các gia đình đồng bào Pa Kô quy tụ về nơi chốn sinh ra để cất bốc mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện sự hiếu thảo, bảo đảm vệ sinh môi trường sống, chống sự bào mòn của thiên nhiên đối với các phần mộ. Việc tổ chức quy tập cất bốc mồ mả là một việc làm tốt đẹp mang nhiều ý nghĩa đã trở thành lễ hội truyền thống, tâm linh giàu tính hiếu nghĩa của đồng bào dân tộc Pa Kô được thể hiện gồm nhiều gia đình, dòng tộc, thôn bản cùng tham gia. Phần hội sôi nổi gồm nhiều dàn cồng chiêng, trống được quy tụ về tại địa điểm trung tâm của nhà mồ vừa được cúng xong, ca hát, nhảy múa, ăn thịt uống rượu cần…

Thông qua lễ hội này, tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong cộng đồng càng thêm sắt son, bền chặt. Vì thế, việc phục dựng, duy trì lễ hội Ariêu piing là mong muốn của rất nhiều người. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

                                                                                                                                         Ngọc Tình - NT

 

 

Đang truy cập: 10383

Hôm nay: 36,625

Trong tuần: 116,340

Trong tháng: 265,402

Tổng lượt truy cập: 400,674