Tin tức - Sự kiện

Trời không phụ công người, sau gần nửa năm mày mò nghiên cứu, học hỏi, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, vợ chồng anh Chánh chị Nhung cũng đã cho ra lò thành công sản phẩm chuối sấy dẻo của riêng mình, lấy tên là Chuối sấy dẻo “Long Việt”.

Nhận thấy tiềm năng lợi thế của quê mình về sản phẩm chuối mật móc dồi dào, rất được thị trường ưa chuộng. Xu thế thị hiếu khách hàng hiện nay lại luôn ưu tiên hướng đến những mặt hàng từ nông sản sạch nguyên chất. Vì thế vợ chồng anh Lê Hoài Chánh ( sinh năm 1990) và chị Trần Thị Như Hằng ( sinh năm 1994) ở thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá đã quyết tâm nghiên cứu, đầu tư khởi nghiệp bằng mô hình chuối sấy dẻo. Mặc dù đưa ra thị trường chưa lâu, nhưng với chất lượng đảm bảo đã được khách hàng rất ưa chuộng, hiện sản phẩm này đang hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm Ocop của địa phương.

Cũng như bao bạn trẻ khác, tốt nghiệp Đại học, anh Chánh và chị Hằng nộp đơn xin việc theo đúng ngành nghề được đào tạo. Tuy nhiên, dường như cả hai vợ chồng đều chưa “bén duyên” được lâu dài với công việc phù hợp với bằng cấp của mình.Với tấm bằng quảng trị kinh doanh, anh Chánh trúng tuyển vào sở Lao động, thương binh xã hội tỉnh Quảng Trị, sau đó làm cán bộ kỹ thuật công trình tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi cán bộ kỹ thuật cho các công ty Điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Còn chị Hằng với tấm bằng sư phạm giáo dục chính trị đã đi dạy học được một thời gian ngắn, rồi quay về làm dịch vụ nấu cháo dinh dưỡng. Sau bao trăn trở làm thế nào để xây dựng được một mô hình phát triển kinh tế làm cơ sở cho sự khởi nghiệp một cách bền vững, vợ chồng anh Chánh, chị Hằng đã quyết định chọn con đường xây dựng các sản phẩm từ nông sản sạch, lấy chuối mật móc làm sản phẩm trung tâm. Đầu năm 2023, anh chị gom hết số tiền tích cóp được, vay mượn thêm để đầu tư 01 máy sấy nhiệt với kinh phí trên 150 triệu đồng. Xác định hướng đi này là “trái nghề” nhưng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, hai vợ chồng anh đã tự tìm tòi nghiên cứu qua mạng Internet, học hỏi từ các địa phương khác rồi tự mày mò làm thử. Thời gian đầu quả là hết sức gian nan đối với đôi vợ chồng trẻ. Vốn ít, kinh nghiệm chưa có, anh chị bỏ ra trên 10 triệu đồng chi phí cho tiền điện, tiền công và nguyên liệu cho việc chạy thử những mẻ chuối sấy đầu tiên. Trời không phụ công người, sau gần nửa năm mày mò nghiên cứu, học hỏi, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, vợ chồng anh Chánh chị Nhung cũng đã cho ra lò thành công sản phẩm chuối sấy dẻo của riêng mình, lấy tên là Chuối sấy dẻo “Long Việt”.

Anh Lê Hoài Chánh cho biết: “ So với sấy nhiệt thì chi phí đầu tư máy móc cho máy sấy lạnh là đắt hơn nhiều lần, kỹ thuật cũng đòi hỏi cao hơn. Thế nhưng bù lại sẽ cho ra đời sản phẩm đảm bảo giữ nguyên chất chuối mật móc. Hơn thế nữa, với máy sấy lạnh, chúng tôi còn có thể sản xuất thêm các mặt hàng khác từ nông sản sạch khác, như trà bí đao, măng khô, mat cha trà xanh, bột rau củ quả sấy lạnh…”


Đối với quy trình sản xuất chuối sấy dẻo, khâu quan trọng hàng đầu đó là lựa chọn sản phẩm đầu vào và quá trình sơ chế nguyên liệu. Chuối mật móc phải được lựa chọn kỹ, kích cỡ và độ chín vừa phải, đạt chất lượng. Sơ chế sạch vỏ ngoài lẫn màng bọc để sản phẩm không bị chát. Nhằm đảm bảo chắc chắn về kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nghiên cứu thêm nên trong giai đoạn đầu như hiện nay, hai vợ chồng anh Chánh tự tay làm cho đến khi hoàn toàn ổn định. Với công suất hiện tại của máy sấy, gia đình anh Chánh sẽ sấy khoảng 3 tạ tươi/ mẻ với quy trình sấy 22 tiếng đồng hồ. Quá trình sấy cũng được anh Chánh theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh lượng nhiệt phù hợp cho từng giai đoạn. Bình quân mỗi tạ chuối mật móc tươi sẽ cho hơn 20 kg sản phẩm sấy dẻo. Bằng kỹ thuật này, sản phẩm giữ được nguyên chất, hương thơm cũng như vị ngọt tự nhiên của chuối mật móc địa phương. Nhờ thế, mặc dù mới chính thức cho ra thị trường hơn 1 tháng, chủ yếu thông qua kênh bán hàng online, nhưng sản phẩm chuối sấy dẻo “Long Việt” của gia đình anh Chánh chị Nhung đã được khách hàng rất ưa chuộng và đánh giá cao, tiêu thụ hơn 1 tạ sản phẩm, với giá 100 nghìn đồng/ kg.

Anh Lê Hoài Chánh cho biết thêm: “Chuối mật móc được coi là chủ lực của địa phương, xuất khẩu chủ yếu chuối xanh, còn chuối chín không có cơ sở tiêu thụ ổn định. Với loại nông sản có chất dinh dưỡng cao mà loại bỏ thì rất lãng phí. Vì vậy, chúng tôi sẽ lấy chuối làm sản phẩm trung tâm để phát triển sản xuất. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy móc để sản xuất chuối sấy giòn, làm phong phú thêm sản phẩm từ chuối mật móc. Về lâu dài, chúng tôi hướng tới những mặt hàng từ nông sản sạch sẵn có của địa phương, vừa phù hợp nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình, vừa tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn”.

Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp sạch, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, học hỏi quy trình sản xuất, tích cực tiếp cận thị trường, vợ chồng anh Lê Hoài Chánh và chị Trần Thị Như Hằng đã bước đầu tạo dựng được cơ sở vững chắc cho con đường khởi nghiệp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu nông sản của địa phương.

Thanh Huyền

 

 

 

Đang truy cập: 9007

Hôm nay: 23,351

Trong tuần: 103,066

Trong tháng: 252,128

Tổng lượt truy cập: 387,400