Tin tức - Sự kiện

Gìn giữ và bảo tồn giá trị nghề đan lát truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô huyện Hướng Hóa là góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Huyện Hướng Hóa gồm 21 xã, thị trấn, với 149 thôn, bản, khu phố. Tính đến cuối năm 2022, tổng dân số toàn huyện có 22.942 hộ với 102.019 khẩu, gồm có 03 dân tộc chính: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô; trong đó người dân tộc thiểu số có 10.481 hộ với 50.967 khẩu, chiếm tỷ lệ 49,95% dân số. Với đặc thù là huyện miền núi, dân cư phân bố không đồng đều, đồng bào các dân tộc thiểu số tập trung sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi, sườn dốc, địa hình phức tạp, nên đời sống người đồng bào dân tộc tiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người Vân Kiều - PaKô huyện Hướng Hóa có đời sống hóa văn hóa lễ hội rất phong phú, đặc sắc, như: Chữ viết Bru - Vân Kiều, lễ hội A Riêu ping, lễ cầu mùa, mừng lúa mới... các nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, khèn bè, đàn Ta lư...Cùng các làn điệu dân ca, hò vè, như: Ka lơi, Cha chấp, A Dên, Tà oải; các nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, với các sản phẩm độc đáo như: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần, rượu men lá... 

Đối với các nghề truyền thống, khi xã hội phát triển, sự giao lưu về kinh tế, văn hóa, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật thì nghề đan lát thủ công truyền thống của người Vân Kiều- Pa Kô nơi đây cũng dần bị mai một, khó cạnh tranh và đúng trước nguy cơ thất truyền khi mà thế hệ trẻ không còn nhiệt huyết để học và lưu giữ nghề đan lát truyền thống. Cũng có một số người đồng báo, người lớn tuổi ở thôn, bản vẫn còn đam mê gìn giữ nghề truyền thống, đan lát để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, nhưng sản phẩm làm ra ít người mua dùng vì giá thành cao, trong khi sản phẩm làm bằng nhựa cùng loại tiện lợi, giá thành lại rẻ.

Tại thôn Kỳ Rỹ, xã Lìa là một xã phía nam huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị  chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện cùng già làng, nghệ nhân Ăm Nhờ, ông sinh năm 1937, là một trong số người đồng bào còn tâm huyết với nghề đan lát truyền thống tại địa phương. Các sản phẩm đan lát của ông và bà con nơi đây có mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, những năm nay luôn được các dự án thu mua, góp phần tạo thu nhập cho người dân.                                                                                                  Ông: Ăm Nhờ đang đan lát

Trong lúc đan lát sản phẩm, ông Ăm Nhờ vẫn vui vẻ chia sẽ với chúng tôi“Nghề đan lát truyền thống có từ lâu đời. Lúc trước ở thôn bản đan lát nhiều lắm, ai cũng đan được. Việc đan lát chỉ có quy mô nhỏ trong các gia đinh, nhằm phục vụ cho các hoạt động lao động sản xuất, dùng trong sinh hoạt chủ yếu như Gùi, giỏ, A Đư, A Ria, A Chói, A Điêng… của đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Kô...”. Từ những câu chuyện đi theo năm tháng của nghệ nhân Ăm Nhờ và qua tìm hiểu, trước kia người Vân Kiều – Pa Kô huyện Hướng Hóa, vốn sinh sống trên các địa bản vùng núi cao, hẻo lánh, sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên đồng bào ở đây thường sử dụng các nguyên liệu chủ yếu như tre, nứa, lồ ô, tre gại, trúc, guột hay mây..., đây là những loại nguyên liệu có sẵn, có nhiều trên rừng, nên người dân thường sử dụng để làm nhà, sản xuất và đan vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Vừa trò chuyện vừa nhìn đôi bàn tay khéo léo của ông Ăm Nhờ thoăn thoắt đưa những nan tre với nhau, chẳng mấy chốc những lát mây tre đã thành hình. Các nghệ nhân ở đây tài tình trong việc phối hợp các loại vật liệu với nhau để tạo ra những sản phẩm đa dạng mà còn tạo cho sản phẩm những đường nét tự nhiên, bản sắc riêng….Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì đan mới đẹp, phải biết chọn từng nan, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng; nguyên liệu cũng phải được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mục mọt. Mỗi sản phẩm hoàn thiện là thành quả của sự nhọc nhằn, tâm huyết với nghề.

Hiện nay sản phẩm đan lát truyền thống không chỉ phục vụ trong sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con người Vân Kiều - Pa Kô mà còn là sản phẩm thương mại được mọi người yêu thích, đặc biệt là khách du lịch. Tuy nhiên, do nền kinh tế phát triển, thị trường mở rộng, các sản phẩm công nghiệp ngày càng nhiều, đa dạng, mẫu mã đẹp, đa phần các nghệ nhân đã già nên số lượng người làm và sản phẩm ngày càng ít phổ biến, có nguy cơ bị mai một.

Để bảo tồn nghề đan lát truyền thống cần hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghề cho lớp trẻ, mặt khác cần bảo tồn, quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu để duy trì nghề đan lát đồng thời quảng bá và đưa sản phẩm đan lát truyền thống đến với người tiêu dùng…sẽ góp phần trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề đan lát truyền thống, gìn giữ nét đẹp truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Kô, giúp ổn định sinh kế người dân, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

                                                                                                             Ngọc Tình - NT

Đang truy cập: 15246

Hôm nay: 123,724

Trong tuần: 298,759

Trong tháng: 447,821

Tổng lượt truy cập: 583,093