Dân tộc Vân Kiều, PaKô huyện Hướng Hóa được biết đến là một cộng đồng dân tộc có nền văn hóa bản địa đa sắc màu với các đặc trưng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đa dạng, thể hiện sự thích ứng với các điều kiện khu vực cư trú của mình bao gồm các lễ hội, phong tục tập quán như Tết mừng lúa mới, Mừng hội sim, Lễ phong thần, lễ hội Arêuping…các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống với nhiều loại hình khác nhau như: đàn Ta Lư, sáo Pi, Cồng Chiêng, làn điệu Ca Lơi, Cha Chấp, Oát, hát ru... Nghiên cứu nền văn hóa dân tộc Vân Kiều, PaKô sẽ góp phần khẳng định các giá trị truyền thống mà họ đã sáng tạo ra và gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ.
Trong xu thế văn hóa dân tộc nói chung,
trong đó có âm nhạc truyền thống dân tộc Vân Kiều, PaKô nói riêng. Sự xâm nhập
của văn nghệ nước ngoài càng mạnh, sâu sắc hơn, các làn điệu dân ca, nhạc cụ
truyền thống ngày càng bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem, một
bộ phận lớn tuổi trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào
âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài, quay lưng với âm nhạc truyền thống.
Thông qua bài viết này, tác giả đã sưu tầm,
tổng hợp để giới thiệu khái quát một số làn điệu dân ca phổ biến của hai dân tộc
thiểu số Vân Kiều và Pa Kô huyện Hướng Hóa, để chia sẻ với độc giả và những người
yêu thích văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống các dân tộc, nhằm góp phần
trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn các văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng
bào Vân Kiều - Pa Kô.
Dân ca của đồng bào Vân Kiều
Làn điệu Tà Oải: là một lối hát ví
von, có giai điệu, cung bậc rõ ràng, là lời tâm sự của người con gái và người
con trai đối đáp giao duyên bằng lời ca như một lời nhắn gửi, tìm kiếm, qua đó
người con trai hoặc người con gái sẽ thổ lộ tâm trạng, nỗi lòng của mình một
cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc.
Ví như:
Người
con gái bộc bạch thế này:
“Em ở chòi bên này
thao thức đợi anh
Muốn thổi kèn aman
nhưng lại thiếu một người
Kèn aman không thổi
một mình
Em biết thương ai
bây giờ ngoài anh”.
Người
con trai cũng hồi đáp tâm tình:
“Thương em đến nỗi
sầu
Nhớ em đến nỗi ốm
Ước gì gan mật trở
về nhau mãi mãi...”.
Làn điệu Tà Oải chính là thông điệp của
tình yêu mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều gửi gắm cho nhau, giúp họ vượt
qua các trở lực ngăn cản, hoàn cảnh éo le để đến với nhau.
Làn
điệu Xà nớt: Là làn điệu dành cho những dịp mừng lúa mới, bạn bè lâu ngày
không gặp, mừng đám cưới hoặc lúc có những tâm sự buồn, hóa giải những vướng mắc.
Làn
điệu Aru: Là làn điệu dành cho bà ru cháu ngủ để mẹ lên nương rẫy…, làn điệu
hát ru con, cháu.
Làn điệu Roai: Lời hát của thầy
cúng trong nghi lễ, trong lễ gọi hồn, du dương, trầm lắng.
Các
làn điệu dân ca PaKô
Từ xa xưa, người PaKô đã sáng tạo ra nhiều
làn điệu dân ca phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu tâm linh, thoả mãn ước nguyện
của con người với thế giới thần linh. Dân ca PaKô có thể diễn xướng mọi nơi, mọi
lúc, trong lễ hội, lên nương rẫy hoặc ngồi quanh ché rượu cần bên bếp lửa hồng
nồng ấm...
Làn điệu Ca Lơi
Tính chất: đây là thể loại hát đối đáp
giàu tính triết lý, có phạm vi diễn xướng rất rộng. Có tính ngẫu hứng, ứng tác
tại chỗ. Thường được mở đầu bằng một nét nhạc điển hình:
“Ơh… Vơơch chavơ,
vơ vơc chavơ
Van avan van, avan
van avan”
Đối tượng hát: các vị già làng, trưởng bản,
trưởng các gia tộc, trưởng dòng họ và các cụ ông lớn tuổi trong thôn bản. Có
kinh nghiệm sống lâu đời, đủ khả năng diễn cảm nhưng suy nghĩ của mình nghiêng
về mặt lý trí để tỏ ý khuyên răn các thế hệ hãy chăm lo cuộc sống, siêng năng làm
việc, truyền đạt những kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống.
“Buổi tối thức
khuya như chin Avang
Buổi sáng mọi người
ra rẫy nó vẫn còn nằm”
Theo luật tục, gia đình nào có tang,
có việc cúng thì không được tham gia hát Ca Lơi.
Thời gian, không gian diễn xướng: trong
các lễ hội hè, sinh hoạt cộng đồng mang tính chất trang trọng ở các nhà Rông,
nhà văn hóa, bên bếp lửa.
Nhạc cụ đi kèm: trống, cồng, chiêng.
Nội dung: Chào hỏi, khuyên răn mọi người,
thắt chặt đoàn kết, giải quyết các mâu thuẫn, căng thẳng, trao gửi tâm sự, nhắc
nhở, góp ý, chúc nhau mừng vui trong các lễ hội, giao duyên…
“Thấy con gà nhà
anh nhanh nhẩu
Siêng năng bưới
móc kiếm mồi
Anh vui lòng cho
tôi mang về
Để hai nhà gặp
nhau gắn bó”
Làn điệu Cha chấp
Tính chất: vui khỏe, sinh động (giống hò
lao động), hát giao duyên trai gái, mang tính ví von, câu sau khớp vần với câu
trước. Cha chấp dùng để mời gọi, khen, chê, tâng bốc, tục tếu… Người sử dụng
Cha chấp khéo léo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống, giao tiếp, ứng
xử.
Ví dụ: Người
con trai hát:
“Em hứa hẹn cho
anh cái gì
Để sau này thành vợ
thành chồng
Anh thì vẫn yêu em
trọn đời”
Người con gái hát:
“Em thì không yêu
ai khác ngoài anh
Cho dù anh đi xa mấy
nghìn nương, trăm sông, trăm suối
Nhưng em vẫn chờ
anh
Và chờ khi nào anh
nói rồi anh sẽ cưới em
Khi xong mùa đôi
ta sẽ cưới”.
Đối
tượng hát: trai gái đang độ tuổi yêu nhau. Theo luật tục, “người đã có gia đình tham gia hát Cha Chấp coi như bị phạm luật”.
Thời gian thể hiện: Sau những vụ mùa
đã gặt hái xong hoặc trong các lễ hội.
Không gian diễn xướng: trên nương rẫy,
bên ngoài hiên sàn nhà.
Làn điệu Ân Tói
Tính chất: có phạm vi diễn xướng hạn
chế và ít gặp hơn các làn điệu khác.
Đối tượng hát: Người chủ họ nhà trai
và chủ họ nhà gái hát đối đáp.
Thời gian hát: trong giai đoạn kết
thúc lễ cưới.
Không gian diễn xướng: trong nhà.
Nội dung: những lời dặn hò cặp vợ chồng
mới cưới làm tròn bổn phận của vợ và chồng, không được thay lòng đổi dạ.
“Tayên ayên arưng
ayên
Nếp Atut atin đã
vàng lá
Yên ayên ayên
arưng
Như các con đã trưởng
thành
Yên ayên ayên
arưng
Cây Tâmi tako đã
héo thân
Như anh em, chồng
vợ ân cần thủy chung”.
Làn điệu Ka Lơi: Làn điệu Ka Lơi
chỉ dùng trong các nghi lễ của gia đình, dòng tộc của cộng đồng thôn bản. Ka
Lơi thường dùng cho lớp người cao tuổi, hàm chứa ý nghĩa rất sâu xa. Trong Ka
Lơi không bao giờ có nội dung tranh cãi, phần nhiều hát Ka Lơi để khen ngợi, mọi
bức xúc trở thành hài hoà.
Làn điệu Ru Akay:
Tính chất: nhạc cụ êm dịu, đều đặn theo
võng nhịp, nhịp nôi, nhịp lưng người mẹ đu đưa. Lời ca dịu dàng, êm ái, ngọt
ngào.
Đối tượng hát: Người bà, người mẹ, chị hát
cho đứa con, đứa em.
Thời gian thể hiện: Suốt ngày, suốt đêm để
ru con ngủ.
Không gian diễn xướng: Trong nhà, trên đường
đi rừng, đi làm nương rẫy.
Làn điệu Xiêng: là làn điệu hát than
thở, về tình yêu đôi lứa khi lên nương rẫy, hay trong lúc giã gạo tập thể hoặc
đi sim. Nói đến niềm vui đôi lứa, thử tài đối đáp của nhau, chuyện vui của dòng
họ, gia đình, tình nghĩa. Người hát sử dụng tài năng của mình với những lời đối
đáp mang tính tự sự theo cảm hứng, cuốn hút sự chú ý cho người nghe, không hề
được soạn trước, nó mang tính đấu lý, giao duyên với tình yêu mến thương.
Đối tượng: các chàng trai, cô gái.
Thời gian: tùy theo hoàn cảnh.
Không gian diễn xướng: trên nương rẫy,
trong lễ hội.
Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, làn điệu
hát Xiêng rất được giới trẻ đồng bào PaKô sử dụng thông dụng.
Làn
điêu Tăng y: Là điệu hát dùng để giải quyết vấn đề về phong tục tập quán, về
hôn nhân gia đình, về luật tục, duy trì công tác tổ chức, bảo vệ bản làng, địa
giới, công tác ngoại giao.
Điệu Tăng y thường ngắt quãng (dừng lại) để
giải thích những nội dung mà đối phương chưa hiểu, chưa khớp ý nhau.
Làn điệu Thun: Là làn điêu được
nam và nữ dùng để tỏ tình trong các cuộc giao duyên trong lễ hội, mừng đám cưới,
ăn lúa mới. Thun được dùng trong những sự kiện vui, làn điệu này rất được lớp
trẻ yêu chuộng.
Làn điệu Ra rọi:
Tính chất: lời ca mang âm điệu buồn thương
khi có người thân mất, hát nói, hát kể.
Đối tượng hát: người thân trong gia đình,
dòng họ, già làng, trưởng bản, người lớn tuổi, có kinh nghiệm sống.
Thời gian thể hiện: khi có người thân
trong gia đình mất, phải có người đánh trống đi quanh quan tài suốt đêm.
Không gian diễn xướng: Trong nhà, ngoài
nhà mồ và lều ma của lễ dời mả.
Nội dung: hát khóc tiếc thương cho người thân
của mình chưa kịp sống sung sướng mà đã vội ra đi.
“Con nai, con heo
rừng chết không ai khóc
Con người ta chết là dòng họ phải khóc”
Trên là một số làn điệu dân ca truyền thống
của người Vân Kiều – Pa Kô được tác giả chia sẻ, nhưng hiện nay, những người biết
hát các làn điệu dân ca, biết chơi nhạc cụ truyền thống, hiện nay đã ít hơn trước
và người biết chế tác cũng chỉ còn vài nghệ nhân cao tuổi ở rải rác các bản
làng. Điều đáng buồn hơn là các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống đang mất
dần đất diễn. Nếu không có những ngày hội thì bình thường ít khi được nghe,
chơi, được biểu diễn đến công chúng. Người trẻ bây giờ không còn thích nghe Oát
xa nớt, Ca lơi, Cha Chấp nữa, ít khi chơi kèn trong đêm trăng để trai gái múa
hát, đưa tình với nhau hoặc chơi kèn để ru con, dỗ con... thay vào đó là các
dòng nhạc hiện đại của phương Tây. Đa số lớp trẻ hiện tại, việc hiểu và thuộc
các làn điệu dân ca, các bài hát, điệu múa là rất khó khăn, chưa nói đến chuyện
biểu diễn. Muốn biểu diễn được thì phải hiểu, thuộc các bài chiêng, các bài hát
dân ca… Mặt khác, các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống đang mai một dần
đi. Số ít nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ hiện cũng chỉ làm bằng đam mê như hoài
niệm một thời.
Thông qua bài viết trên rất mong nhận được sự chia sẻ của của độc giả cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền để cùng nhau phục dựng, bảo tồn và gìn giữ văn hóa phi vật thể của dân tộc, xây dựng các câu lạc bộ, nhóm âm nhạc truyền thống tại các xã, thị trấn, thôn bản có nghệ nhân hát dân ca, chế tác các nhạc cụ truyền thống phục vụ công tác du lịch và giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa như: Đội cồng chiêng Pa Nho thị trấn Khe Sanh, CLB Ka Tăng, Khe Đá thị trấn Lao Bảo; Hộ gia đình nghệ nhân Côn Khăm (xã A Xing), nghệ nhân Hồ Văn Hồi… Đồng thời quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt về nguồn kinh phí, cơ sở vật chất…. tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, truyền dạy cách chế tạo, cách chơi các nhạc cụ truyền thống dân tộc Vân Kiều, PaKô huyện Hướng Hóa.
Ngọc Tình - NT
- Bánh Ayớh (A dớ) nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Bru – Vân Kiều
- Lễ hội Ariêu piing người Pa Kô huyện Hướng Hóa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- KHAI MẠC TẬP HUẤN XÂY DỰNG CÂU LẠC BỘ SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN
- Đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình chuối sấy dẻo
- Nghệ nhân góp phần gìn giữ và bảo tồn nghề đan lát truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô huyện Hướng Hóa
Đang truy cập: 1900
Hôm nay: 11,264
Trong tuần: 81,665
Trong tháng: 114,286
Tổng lượt truy cập: 5,417,890