Bản sắc dân tộc

Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Việt có nhiều phong tục tập quán độc đáo, được hình thành qua quá trình lao động sản xuất từ đời này sang đời khác. “Piếc xa rò”, tức là cúng lúa rẫy, là một trong những phong tục tốt đẹp, gắn liền với sản xuất của người Vân Kiều được giữ gìn cho đến ngày nay.

Vào tháng 9 hàng năm, khi lúa trên rẫy đã chín vàng ươm, bà con người Vân Kiều tập trung lên rẫy để thu hoạch. Trước khi bắt đầu thu hoạch vụ mùa, bà con Vân Kiều tổ chức Cúng lúa mới, báo cáo với tổ tiên về việc chuẩn bị thu hoạch lúa. Trên diện tích lúa rẫy chín vàng đó, bà con không tuốt hết lúa mang về nhà, mà để dành lại một diện tích vừa phải, được khoanh vùng sẵn. Tại diện tích lúa còn lại này, bà con sẽ tổ chức lễ cúng “Piếc xa rò”, tức là cúng lúa rẫy. Đây là nghi lễ tiếp theo nghi lễ cúng lúa mới, và là nghi lễ cuối cùng trước khi đem lúa rẫy về nhà.  “Piếc xa rò” được coi là một nghi lễ rất quan trọng, bày tỏ lòng biết ơn vị thần “Giã A Bôn”- tức là vị thần lúa đã bảo vệ không cho các loài động vật phá hoại mùa màng, đồng thời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đem lại vụ mùa bội thu, bản làng yên ấm và mang lại may mắn cho tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, nên bà con Vân Kiều chuẩn bị lễ vật dâng cúng rất chu đáo. Lễ vật chính bao gồm: Một hủ rượu cần, một con heo, một con gà, một con cua…Đây là những sản vật từ lao động sản xuất gắn liền nương rẫy, núi rừng, sông suối của người Vân Kiều. Ngoài ra, lễ vật còn có một số trang phục, trang sức của phụ nữ Vân Kiều như váy áo thổ cẩm, vòng bạc… bởi người Vân Kiều quan niệm rằng thần “ Giã A Bôn” là một vị thần nữ.



Nghi lễ "Piếc xa rò" được thực hiện tại diện tích lúa để dành lại sau khi thu hoạch mùa vụ

 Nếu như nghi lễ cúng lúa mới được diễn ra tại bàn thờ tổ tiên của gia đình, thì nghi lễ cúng “Piếc xa rò” được diễn ra tại rẫy lúa của gia đình, ngay tại nơi diện tích lúa được để dành lại sau khi thu hoạch. Sau khi dâng lễ vật, chủ hộ gia đình sẽ trình bày bài khấn báo cáo kết quả vụ mùa và bày tỏ lòng biết ơn thần Giã A Bôn đã ban cho mùa màng tốt tươi, gia đình no ấm, đồng thời xin phép thần lúa, cùng thổ thần đất đai cho phép mang lúa về nhà.


Trang phục của người phụ nữ Vân Kiều cũng được dâng cúng thần Giã A Bôn

Với ý nghĩa quan trọng gắn liền với cuộc sống của bản làng, phong tục “Piếc xa rò” được đồng bào Vân Kiều ở Hướng Việt gìn giữ cho đến ngày nay, trở thành một phong tục độc đáo, nét văn hóa đặc sắc của cả cộng đồng.

Hồ Giỏi- Thanh Huyền

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 56

Trong tuần: 1,022

Trong tháng: 6,720

Tổng lượt truy cập: 135,783