Bản sắc dân tộc

Những năm qua, tại thị trấn Lao Bảo, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng được quan tâm. Bên cạnh sự tuyên truyền, vận động của chính quyền thị trấn là niềm đam mê, khát vọng gìn giữ những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở đây, nhằm nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cồng chiêng.

          Tháng 8 vừa qua, Lao Bảo tổ chức ra mắt câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn. Câu lạc bộ được thành lập từ 3 đội cồng chiêng trên địa bàn gồm khóm Ka Tăng, Khe Đá và Ka Túp. Sau khi thành lập, câu lạc bộ có 32 thành viên, trong đó có những người già giàu kinh nghiệm và cả những thanh niên trẻ mới được tiếp cận với cồng chiêng. Song tựu chung nơi họ là tình yêu, khát vọng muốn giữ giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

          Năm nay 37 tuổi, tham gia vào đội cồng chiêng thị trấn Lao Bảo hơn 10 năm nay, anh Hồ Văn Phúc ở khóm Ka Tăng hiện là một trong những thành viên của đội cồng chiêng thị trấn Lao Bảo. Chàng thanh niên người Vân Kiều này luôn cảm thấy đó là niềm vinh dự, tự hào, là cơ hội để anh chung tay giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Dù bận rộn với việc làm kinh tế, lo cho cuộc sống gia đình, song mỗi khi đội cồng chiêng tụ họp để tập luyện hay biểu diễn, anh đều tham gia không bỏ lỡ một buổi nào. Anh Phúc chia sẻ: “Tôi tham gia đội cồng chiêng của câu lạc bộ để thành thạo hơn về đánh trống, chơi khèn bè  và đánh chiêng. Để thành thạo những kỹ năng này phải mất rất nhiều thời gian nhưng tôi sẽ cố gắng để học hỏi, luyện tập. Tôi vui vì nét văn hóa truyền thống này được chính quyền quan tâm hỗ trợ để không bị mai một. Chúng tôi sẽ giữ lấy để  sau này, dù có phát triển như thế nào thì con cháu vẫn biết được nề nếp, bản sắc của dân tộc Vận Kiều, Pa Cô, biết đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình.”





Tập luyện cồng chiêng tại CLB cồng chiêng Lao Bảo.


          Già làng bản Ka Tăng Hồ Thanh Bình năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông  là một trong những nghệ nhân thành thạo văn hóa cồng chiêng tại thị trấn Lao Bảo. Trong ký ức của già làng Hồ Thanh Bình, từ khi còn nhỏ, ông đã được cha mẹ dẫn theo mỗi khi có lễ hội. Trong những dịp ấy, bản làng không thể thiếu các điệu múa cồng chiêng. Tiếng nhạc cồng chiêng cùng điệu múa đã lôi cuốn ông ngay từ khi còn nhỏ. Hiện tại, dù tuổi đã cao, song với mong muốn giữ gìn và trao truyền các điệu múa cồng chiêng cho lớp trẻ, thế nên, già làng Hồ Thanh Bình vẫn luôn sẵn sàng tham gia vào các buổi tập luyện, các đợt biểu diễn cồng chiêng diễn ra trong và ngoài địa phương. Già làng Hồ Thanh Bình cho rằng: “Văn hóa cồng chiêng là nét văn hóa tốt đẹp cần gìn giữ và lưu truyền, không thể để bị mai một được. Trong cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô tại đây thì văn hóa cồng chiêng đã có từ rất lâu. Vui cũng đánh nhạc cồng chiêng, mà buồn cũng chia sẻ bởi tiếng nhạc cồng chiêng. Thứ nhất là đánh chiêng, thứ 2 là các làn điệu dân ca, dân vũ, cần phải được truyền dạy để thế hệ trẻ sau này biết được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình,đó là điều đáng quý.”

          Tại thị trấn Lao Bảo, các đội cồng chiêng của các khóm được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010. Hơn 10 năm qua, cứ mỗi tháng một lần, các thành viên các đội cồng chiêng tại thị trấn Lao Bảo cùng nhau tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng để sinh hoạt, tập luyện với những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Vân Kiều như: Cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống...  Ngoài ra, các đội cồng chiêng tại đây cũng thường tham gia biểu diễn vào những dịp lễ, hội trong và ngoài huyện. Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, chính quyền thị trấn Lao Bảo luôn đồng hành cùng các đội, câu lạc bộ để giữ gìn nét văn hóa truyền thống quý báu này. Bà Võ Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo nói rằng: “Để duy trì,  phát triển tốt mô hình cồng chiêng tại thị trấn Lao Bảo, trước mắt chúng tôi sẽ tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ cho thế hệ trẻ. Trong các hoạt động, sự kiện lớn của địa phương sẽ đưa đội cồng chiêng. Trong tương lai sẽ hướng tới việc đưa câu lạc bộ cồng chiêng vào hoạt đồng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm các dân tộc trên địa bàn nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Lao Bảo.”

          Văn hóa cồng chiêng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tộc ít người tại thị trấn Lao Bảo nói riêng, huyện Hướng Hóa nói chung. Việc giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên Nhân dân thi đua lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Bích Liên

Đang truy cập: 4167

Hôm nay: 18,590

Trong tuần: 88,991

Trong tháng: 121,612

Tổng lượt truy cập: 5,425,216