Bản sắc dân tộc

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa có 281 học sinh , từ lớp 6 đến lớp 9, với 100% là học sinh người dân tộc thiếu số ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó học sinh người Vân Kiều chiếm trên 90%. Nhằm mục đích tăng cường giáo dục về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, trong những năm qua, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Qua đó đã góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh.

Trong khuôn khổ nội dung chương trình học tập hằng năm, trường PTDT NT huyện Hướng Hóa đã linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn  văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Theo đó, các hoạt động triển khai ngày càng được tăng cường, nội dung và hình thức tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao hơn. Về bảo tồn ngôn ngữ Bru- Vân Kiều, nhà trường khuyến khích các hoạt động giao lưu, thi kể chuyện, hát dân ca bằng tiếng Bru- Vân Kiều. Riêng đối với khối lớp 6 và lớp 7, nhà trường đưa môn học tiếng Bru- Vân Kiều vào chương trình giảng dạy. Trong các hoạt động ngoại khóa của trường, nội dung bảo tồn văn hóa dân tộc luôn được chọn là một trong những nội dung trọng tâm. Nhà trường đã thiết kế các hoạt đồng ngoại khóa và các buổi chào cờ đầu tuần theo chủ đề, chủ điểm, trong đó chủ đề về bảo tồn văn hóa luôn được quan tâm. Qua các hoạt động này, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Vân Kiều, như các lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống… Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm với những nét văn hóa truyền thống đó. Từ những nguyên vật liệu mây, tre được lấy về từ các bản làng, học sinh sẽ được hướng dẫn đan những vật dụng trong đời sống hàng ngày của gia đình mình, như gùi, a chói, mâm cơm, chổi đót…Những làn điệu dân ca truyền thống, trang phục truyền thống, hay những món ăn truyền thống của người Vân Kiều cũng được lựa chọn làm hoạt động trọng tâm trong các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn tại trường. Vào ngày 19 tháng 4 hàng năm, trường PTDTNT huyện Hướng Hóa đều tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc. Đây là dịp được thầy và trò chờ đón trong năm. Các hoạt động của Ngày hội đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc miền Tây Quảng Trị. Thầy cô và học sinh được thỏa sức trải nghiệm, tự mình làm nên những sản phẩm đan lát, nấu những món ăn truyền thống, trưng bày những gian hàng phong phú sản vật truyền thống và trưng bày sặc sỡ vải thổ cẩm, áo, khố, váy của người dân tộc thiểu số. Tất cả những nội dung đều được các thầy cô nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng qua nhiều tài liệu, sách vở, đồng thời cất công tìm hiểu từ các thế hệ già làng, trưởng bản ở các vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhờ thế, những giờ ngoại khóa với nội dung bảo tồn văn hóa dân tộc bao giờ cũng được các em học sinh hào hứng, tham gia rất sôi nổi. Hồ Thị Thay lớp 9B bày tỏ suy nghĩ : “Em rất tự hào là người Vân Kiều, em muốn giữ truyền thống của dân tộc mình không để bị mất đi. Các thầy các cô đã dạy cho chúng em về những truyền thống của dân tộc mình và cách giữ gìn văn hóa truyền thống đó. Chúng em đều rất thích và tích cực tham gia các hoạt động về bảo tồn văn hóa ở trường” Còn em  Hồ Thị Huyền Diệu, lớp 9 A hào hứng chia sẻ: “Ở  trường chúng em được giáo dục là phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, em và các bạn đều rất phấn khởi. Từ trang phục, nghề, đến phong tục tập quán…  chúng em đều được nghiên cứu và trải nghiệm”.

Bộ môn đan lát truyền thống được giảng dạy tại Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa

 Để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa cũng đã vận động phụ huynh hiến tặng nhiều trang phục, nhạc cụ truyền thống và các vật dụng trong đời sống lao động sản xuất của người Vân Kiều. Tất cả đều được trưng bày tại Phòng truyền thống của trường để học sinh tham quan, tìm hiểu sau mỗi giờ học. Năm 2021, Trường đã xây dựng riêng Đề án dự thi “Khoa học kỹ thuật cấp huyện” với chủ đề Bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều, trong đó tập trung các giải pháp để bảo tồn nghề truyền thống, tiêu biểu như nghề đan lát mây tre thủ công. Điểm nhấn của Đề án này đó là từ những sản phẩm đan lát thủ công của các em học sinh sẽ dần xây dựng nhóm đan lát. Sau đó liên kết với các nhóm đan lát khác của người Vân Kiều ở các xã, thị trấn trong toàn huyện để có mối liên kết, đa dạng hóa mẫu mã, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, nhằm từng bước đưa sản phẩm ra giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên thị trường. Qua đó góp phần bảo tồn và quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều.

   

                              Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức thường niên tại Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa

Cô Hồ Thị Tư, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa cho biết:Cô giáo Hồ Thị Tư, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm dạy tiếng dân tộc Bru Vân Kiều cho học sinh khối 6, 7. Lồng ghép giáo dục văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục “Trải nghiệm hướng nghiệp “, “Trải nghiệm sáng tạo”, ngoại khóa cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác...”.

T.H

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 156

Trong tuần: 591

Trong tháng: 6,289

Tổng lượt truy cập: 135,352