Bản sắc dân tộc

Hà Lệt được sáp nhập từ bản Hà và bản Lệt của xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa. Là thôn duy nhất của xã có 100% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, sống gần gũi và có sự giao lưu rộng rãi với cộng đồng dân tộc Kinh, tuy nhiên đến nay Hà Lệt vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống đó đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đan lát vốn là một nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Vân Kiều. Theo dòng thời gian và nhu cầu của đời sống hiện đại, các vật dụng từ nghề truyền thống đã dần được thay thế bằng sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên ở Hà Lệt hôm nay, nghề đan lát vẫn được duy trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Gần 100% hộ gia đình ở Hà Lệt hiện vẫn còn lưu giữ nghề và thường xuyên đan lát. Nhờ thường xuyên đan và học hỏi lẫn nhau nên sản phẩm từ đan lát của bà con Hà Lệt có mẫu mã đẹp, chất lượng bền, đặc biệt là sản phẩm chổi đót ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó mà đan lát dần không còn là nghề phụ lúc nông nhàn như trước nữa mà trở thành nghề chính, nâng cao thu nhập cho bà con Vân Kiều. Chính quyền địa phương cũng đã định hướng xây dựng mô hình làng nghề truyền thống tại Hà Lệt trong thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ bà con phát huy nghề truyền thống này. Anh Hồ Năng, trưởng thôn Hà Lệt vui vẻ cho biết: “Nghề đan lát của cha ông để lại thì bà con mình còn giữ, già trẻ gái trai trong bản đều đan được. Bà con mình thường xuyên đan vật dụng trong nhà, nhiều nhất là gùi và chổi đót. Vừa dùng vừa đem bán cũng có thêm thu nhập”.

Nghề truyền thống đan lát đang được bản Hà Lệt giữ gìn và phát huy

Không chỉ bảo tồn ngành nghề truyền thống, mà các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống hiện  vẫn được bà con dân bản Hà Lệt giữ gìn và phát huy. Các lễ hội vẫn được tổ chức thường xuyên hàng năm, tiêu biểu là lễ hội Mừng lúa mới, lễ hội Cồng chiêng. Qua đó đã tạo không gian làm sống lại những nét văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều, bởi tại các lễ hội này, bà con dân bản sẽ có dịp để mặc trang phục truyền thống, nấu các món ăn truyền thống, biểu diễn các loại nhạc cụ và các là điệu dân ca của dân tộc mình. Theo thống kê, hiện nay thôn Hà Lệt có 81/138 hộ còn lưu giữ nghề truyền thống trong đó nổi bật nhất là nghề đan lát và nấu rượu bằng men lá rừng; trên 30 người biết chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ và hát làn điệu dân ca truyền thống; 22 người biết chế tác các loại dụng cụ thể thao truyền thống. Thôn còn lưu giữ 02 bộ cồng chiêng và một số nhạc cụ khác như tù và, thanh la, khèn, sáo, trống… hiện trưng bày tại nhà của già làng. Ngoài ra nhiều hộ dân vẫn còn lưu giữ một số loại nhạc cụ, thỉnh thoảng vẫn giao lưu văn nghệ tại cộng đồng, thôn xóm. Hà Lệt hiện có đội cồng chiêng có thể biểu diễn chuyên nghiệp theo truyền thống của người Vân Kiều, thường được lựa chọn tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội các cấp. Ngoài ra các phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông để lại, như cúng rừng, đám hỏi, đám cưới, ma chay… hiện vẫn còn được lưu giữ ở cộng đồng Hà Lệt. Nhìn chung, một số nghi lễ rườm rà có phần được lược bỏ, riêng phần tinh túy cơ bản vẫn còn giữ nguyên, hướng sự tin tưởng, tôn nghiêm của dân tộc mình đến thần linh, trời đất, ông bà tổ tiên. Lễ vật dâng cúng thường là sản vật của địa phương, như bò, heo, gà, lúa nếp, lúa gạo.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình chính là giữ gìn linh hồn, giữ gìn phần tinh túy nhất của cộng đồng, thôn Hà Lệt đã rất tích cực trong việc tuyên truyền vận động bà con dân bản về việc nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa. Tranh thủ uy tín của các thế hệ già làng, trưởng bản và người có uy tín để giáo dục con cháu trong bản phải có tinh thần trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn văn hóa. Gắn nhiệm vụ bảo tồn văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Không ngừng xây dựng và thúc đẩy hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ thế, bản sắc văn hóa của người Vân Kiều ở Hà Lệt đã được giữ gìn tốt và ngày càng được phát huy,  ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa của cộng đồng ngày càng được bồi đắp.

 Anh Hồ Năng, trưởng thôn Hà Lệt cho biết thêm : “Nguyện vọng của thôn Hà Lệt chúng tôi là bảo tồn bền vững giá trị văn hóa của dân tộc mình, không chỉ để tự hào về truyền thống của cha ông để lại mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo tồn của thôn còn gặp nhiều khó khăn, như việc truyền nghề, dạy chơi nhạc cụ và làn điệu dân ca cho thế hệ sau là chưa thực hiện được nên rất dễ bị mai một dần. Nhạc cụ truyền thống còn ít nên khó tổ chức lễ hội, làng nghề còn mang tính tự phát. Vì thế rất mong muốn được các cấp hỗ trợ để thôn Hà Lệt có điều kiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Vân Kiều”.

T.H

Đang truy cập: 15

Hôm nay: 138

Trong tuần: 1,104

Trong tháng: 6,802

Tổng lượt truy cập: 135,865