Với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, khóm 6, thị trấn Khe Sanh là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa làm tốt công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Bằng nhiều giải pháp phù hợp và sát thực, địa phương này đã lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là làm lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương.
Như thường lệ, vào lúc rảnh rỗi sau giờ
lao động, các nghệ nhân ở
khóm 6
lại tập trung để tập luyện nhạc cụ
và
các làn điệu dân ca. Đây là một hoạt
động được các nghệ nhân chú trọng, tổ chức thường xuyên. Mặc dù công việc
nương rẫy bận rộn, thế nhưng các nghệ nhân ở đây
luôn ưu tiên dành thời gian để cùng nhau tập luyện, học hỏi lẫn nhau để trau dồi
kỹ năng, học hỏi thêm các nhạc cụ mới, cùng thực hành và giao lưu hát dân ca,
chơi nhạc cụ truyền thống. Nghệ nhân Hồ
Văn Hồi, khóm 6 cho biết: “Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống, tránh
nguy cơ bị mai một, chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để cùng nhau tham gia, qua đó
cùng nhau ôn luyện và truyền cảm hứng, động lực cho thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn
văn hóa dân tộc mình, không để bị mai một theo thời gian”.
Khóm 6, thị trấn Khe Sanh hiện còn lưu giữ khá nhiều nhạc cụ truyền thống, như cồng,
chiêng, tù và, thanh la, khèn bè, sáo, đàn môi, đàn la lư. Trên 50% dân số độ
tuổi từ thanh niên trở lên biết hát các làn điệu dân ca và các điệu múa truyên
thống; số người sử dụng trang phục truyền thống thường xuyên trên 60%.
Đội cồng chiêng, đội văn nghệ của khóm 6 được
duy trì hoạt động thường xuyên, đã từng tham gia rất nhiều các hoạt động lễ hội trong
và ngoài tỉnh. Khóm 6 cũng chính là địa phương có số nghệ nhân còn lưu giữ và
thực hành thường xuyên nghề dệt thổ cẩm nhiều nhất ở huyện Hướng Hóa. Có 09 nghệ nhân của khóm 6 hiện là hội viên Hội văn học
nghệ thuật Dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị. Đây chính là những hạt nhân trong
việc tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc tại khóm 6.
Để tăng cường sự tương tác trong cộng đồng, nâng cao ý thức
của bà con dân bản trong việc tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa, khóm 6
thành lập các nhóm nghệ nhân, theo đó tự bố trí thời gian phù hợp để chủ động tập
luyện nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm; tìm hiểu về phong tục tập quán và các lễ hội truyền thống
của dân tộc mình. Đặc biệt là trong một năm trở lại đây, một số nghệ nhân ở
Khóm 6 đã chủ động tìm đến các vùng khác để học hỏi đồng thời tự tìm tòi nghiên
cứu để chế tác cũng như sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống; tổ chức các nhóm
nghệ nhân đến các vùng khác như Tây Nguyên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và nước
bạn Lào để tìm hiểu thêm về văn hóa của dân tộc Vân Kiều.
Khóm 6 cũng đã giao trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể
chủ động nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong hội viên về ý thức trách nhiệm
tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa, trong đó chi hội phụ nữ và đoàn thanh
niên làm nòng cốt. Theo đó các tổ chức đoàn thể đã có rất nhiều cách làm hay và
sáng tạo nhằm mục đích bảo tồn văn hóa, như tìm hiểu, thiết kế lại những mẫu hoa
văn truyền thống của trang phục dân tộc Vân Kiều để in thành sách, đồng thời ứng
dụng vào các mẫu sản phẩm khăn, váy áo do nghệ nhân địa phương mình dệt,
may. Thiết lập các trang face book,
trang fanpage, nhóm zalo... để chủ động trong việc liên hệ, kết
nối các thành viên người Vân Kiều khắp nơi trong cả nước; đăng tải tư liệu về
văn hóa truyền thống đồng thời nhằm
tuyên truyền quảng bá về văn hóa dân tộc.
Trong các hoạt động mang tính chất cộng đồng tại địa
phương như Ngày hội văn hóa các dân tộc, Ngày hội Đại đoàn kết hay đám cưới,
liên hoan... Khóm 6 đều thiết kế chương trình dành riêng khung thời gian để
chơi nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca truyền thống;
người dân đến tham dự các hoạt động đều được vận động,
khuyến khích mặc trang phục dân tộc; tiệc liên hoan luôn có các món ẩm thực
truyền thống. Cho đến nay, các hội đoàn thể cũng như các nghệ nhân ở Khóm 6 đều
đã có trang face book riêng, thường xuyên cập nhật những nội dung phong phú về
vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc thu hút đông đảo thành viên tham gia. Đặc biệt
là một số nghệ nhân đã chủ động xây dựng các Video giới thiệu về trang phục, thổ
cẩm, các loại nhạc cụ, một số lễ hội tiêu biểu; các Video về thực hành các loại
nhạc cụ, làn điệu dân ca truyền thống của người Vân Kiều...đăng tải lên trang
face book cá nhân đồng thời kết nối với các trang hội, nhóm người Vân Kiều
trong toàn quốc thu hút hàng ngàn lượt theo dõi và chia sẻ.
Ông Hồ Văn Hiếu, trưởng Khóm 6 thị trấn Khe Sanh cho biết: “ Với niềm tự hào về truyền thống văn hóa của
dân tộc mình, chúng tôi luôn ý thức việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Trong mọi
hoạt động mang tính chất cộng đồng tại địa phương, chúng tôi đều cố gắng để làm
sống lại những nét văn hóa đó. Để thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa, chúng tôi
mong muốn được các cấp các ngành quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi có thể mở
lớp đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ; hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động
thường xuyên và hiệu quả đối với các câu lạc bộ nghệ nhân”.
Đánh giá về vấn đề bảo tồn văn hóa ở Khóm 6, Phó chủ tịch
thị trấn Khe Sanh Nguyễn Thanh Châu cho biết: “Trên địa bàn thị trấn Khe Sanh, khối 6
là khối dân cư có đông người đồng bào DTTS nhất, là nơi còn lưu giữ được những
nét tinh hoa, bản sắc văn hóa của người Bru Vân Kiều. Mặc dù điều kiện khó khăn
nhưng bà con luôn nêu cao ý thức của việc bảo tồn văn hóa, coi đó là một phần
quan trọng trong đời sống tinh thần của họ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng
đời sống văn hóa tại địa phương”.
T.H
- Nồng nàn rượu nếp cẩm của đồng bào Vân Kiều- Pa Kô
- HƯỚNG HÓA: PHỤC DỰNG LỄ HỘI “MỪNG LÚA MỚI” CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU
- Tập huấn kết nối di sản Lễ hội Mừng lúa mới của người Vân Kiều tại xã Hướng Phùng
- Ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng và Câu lạc bộ đan lát tại xã Lìa
- Ra mắt Câu lạc bộ dân ca Vân Kiều, Pa Kô tại trưởng TH&THCS A Xing
Đang truy cập: 3522
Hôm nay: 22,689
Trong tuần: 93,090
Trong tháng: 125,711
Tổng lượt truy cập: 5,429,315