Bản sắc dân tộc

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, chị Hồ Thị Khay, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo ( Hướng Hoá) có cơ hội tiếp xúc với nghề từ lúc còn tấm bé. Với niềm đam mê đặc biệt, chị đã kiên trì học và thực hành một cách thành thạo, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, chị Hồ Thị Khay, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo ( Hướng Hoá) có cơ hội tiếp xúc với nghề từ lúc còn tấm bé. Với niềm đam mê đặc biệt, chị đã kiên trì học và thực hành một cách thành thạo, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc. Hiện nay, mặc dù nghề dệt thổ cẩm ngày càng mai một, số người còn biết dệt còn đếm trên đầu ngòn tay thì chị Khay vẫn còn giữ được nghề, và tiếp tục nghiên cứu để dệt những mẫu hoa văn phức tạp, cầu kỳ hơn, góp phần tích cực vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá của người Vân Kiều ở địa phương.


             Chị: Hồ Thị Khay tham gia tại khu trưng diễn giới thiệu nghề dệt thổ cẩm tại Hội chợ thương mại huyện Hướng Hoá năm 2023

Ngày trước, bản làng chị Hồ Thị Khay nhiều người biết dệt thổ cẩm. Gia đình chị có bà ngoại và mẹ biết dệt, đêm nào chị cũng lẽo đẽo theo bà và mẹ để xem dệt. Âm thanh kẽo kẹt của khung cửi cùng những cuộn chỉ đa sắc màu luôn là điều cuốn hút, đem đến cho chị một niềm yêu thích đặc biệt, chị cứ theo bà và mẹ xin cho học dệt. Mới lên 6, chị Khay bắt đầu học dệt. Bắt đầu từ việc học căng chỉ, luồn chỉ, đạp chân, đưa thoi…đòi hỏi sự tập trung cao độ, đôi bàn tay tỉ mẫn và sự kiên trì bền bỉ. Những yêu cầu này dường như ngoài sức của một cô bé mới lên sáu, thế nhưng Hồ Thị Khay chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Sự kiên trì cuối cùng cũng đã đem đến sự thành công, chị Khay đã biết dệt thành thạo tất cả các sản phẩm khăn, áo và váy của người Vân Kiều lúc 16 tuổi. Khi biết dệt, chị Khay lại tiếp tục học cách cắt và may áo, váy, đièu đặc biệt là may hoàn toàn bằng thủ công. Tất cả khăn, áo, váy của thành viên trong gia đình đều do tự tay chị dệt và cắt may. Theo chồng, chị Khay vẫn mang theo nghề dệt về nhà chồng. Hàng ngày bận bịu với công việc nương rẫy, đêm về chị vẫn tranh thủ ngồi vào khung dệt. Vừa làm vừa nghiên cứu học hỏi, kỹ năng dệt của chị ngày càng  tiến bộ, đem lại những sản phẩm thổ cẩm đẹp với những hoa văn độc đáo và tinh xảo. Chị Hồ Thị Khay cho biết: “Dệt thổ cẩm có rất nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng công phu, khó nhất vẫn là việc chọn chỉ, luồn chỉ sao cho vừa khớp với cấu tạo của khung, vừa tạo ra được nhiều hoa văn đa dạng. Chỉ cần người dệt kiên trì, khéo tay và có sự sáng tạo thì sẽ làm được”.

          Với sự giao thoa văn hoá các vùng miền mạnh mẽ, trang phục truyền thống của người Vân Kiều ở địa phương ngày càng ít đi, bà con sử dụng trang phục người Kinh là chủ yếu. Theo đó nghề dệt thổ cẩm của người Vân Kiều ở địa phương dần mai một, đến nay hầu như không còn gia đình nào còn dệt. Một số ít gia đình vẫn còn lưu giữ khung cửi nhưng chỉ cất vào kho như một vật kỷ niệm. Đó chính là điều mà chị Hồ Thị Khay luôn trăn trở. Vẫn biết là sẽ rất khó khăn khi một mình cố níu kéo nghề dệt truyền thống, thế nhưng chị Khay vẫn rất quyết tâm, dù bận rộng công việc nương rẫy nhưng chị vẫn âm thầm giữ nghề dệt truyền thống. Nay tuy không còn dệt nhiều như trước nhưng chị Khay nhất định không bỏ nghề, vẫn tranh thủ dệt để cố gắng làm sao không quên nghề. Đến nay trong vùng rất hiếm thợ còn biết đóng khung dệt, và sợi dệt truyền thống cũng không còn, chị Khay đã cùng chồng tìm tòi nghiên cứu tự đóng khung cửi thô sơ để có thể dệt được và tìm sang nước bạn Lào vừa tìm người để học tập kinh nghiệm, kỹ năng dệt vừa tìm mua sợi dệt. Chị cũng là người rất tích cực tham gia các hoạt động văn hoá ở địa phương, nhằm giới thiệu đến du khách về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Chị Hồ Thị Khay cho biết thêm: “ Hiện nay người biết dệt thổ cẩm của người Vân Kiều còn quá ít, tôi mong là sẽ có cơ hội, có điều kiện để truyền dạy cho người khác, để nghề dệt của cha ông không bị mất đi. Tôi luôn cố gắng nghiên cứu để dệt sản phẩm đẹp hơn, và mong muốn được giới thiệu đến mọi miền đất nước về nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.”

T.H

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 34

Trong tuần: 101

Trong tháng: 7,273

Tổng lượt truy cập: 136,336