Hướng Hóa là một huyện miền núi phía Tây, với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Lối sống và môi trường sống nơi đây của người dân đã dần hình thành nên những nét văn hóa, sinh hoạt hết sức độc đáo. Tuy nhiên, trải qua những biến thiên của lịch sử và ảnh hưởng của lối sống đô thị, nhiều phong tục, lễ hội đặc sắc đã dần bị mai một. Trước tình hình đó, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp sát thực và hiệu quả, Hướng Hóa đã tích cực triển khai thực hiện bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng DTTS.
Nỗ lực
bảo tồn bản sắc văn hóa
Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 lễ hội, trong đó có 6 lễ hội của đồng bào Vân Kiều,
Pa Kô, gồm: lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội Ariêuping,
lễ hội AraPựt, lễ hội uống rượu thề.
Để bảo tồn văn hóa dân tộc, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành
nghị quyết chuyên đề và các kế hoạch triển khai nhiệm vụ, đồng thời, chỉ đạo
Phòng Văn hóa và thông tin (VH&TT) huyện triển khai nhiều giải pháp bảo
tồn.
Huyện cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tái hiện, phục dựng lại nhiều lễ hội dân gian của đồng bào DTTS. Nhờ đó, nhiều lễ hội tiêu biểu có nguy cơ mai một đã được bảo tồn, được tiến hành một cách nghiêm túc, đảm bảo tính nguyên bản, đồng thời loại bỏ một số hủ tục lạc hậu.