Bản sắc dân tộc

Từ những vật liệu gỗ thô, có khi chỉ là những gộc cây, tấm gỗ không còn giá trị sử dụng, nhưng bằng sự am hiểu sâu sắc cùng những tình cảm đặc biệt, anh Hùng đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc xuất sắc, mang hơi thở và đậm hồn cốt của văn hóa vùng cao. Khai thác về lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động của cuộc sống thường ngày, anh đã sáng tác nhiều đề tài mang tính đặc trưng như: Nhịp điệu vùng cao, Hồn việt, Tĩnh lặng, Bản sắc vùng cao, Người Vân Kiều, Cô gái vùng cao…

Lớn lên ở huyện miền núi Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, (trú tại thôn Tân Thuận, xã Tân Lập) có một tình cảm rất đặc biệt đối với văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Có lẽ, quảng thời gian sắp chẵn hai chục năm công tác tại vùng bản, hình ảnh nhịp sống thường ngày của bản làng đã in sâu trong tâm trí và dân nuôi lớn tình yêu đối với vùng dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa đặc sắc này. Càng yêu văn hóa bản địa, anh càng nuôi tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và phát huy với tâm nguyện góp phần không để bản sắc độc đáo của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô bị mai một theo thời gian.

Anh Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1977, là giáo viên bộ môn mỹ thuật tại trường THCS Thuận từ năm 2003 đến nay. Từ bé, anh đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với bộ môn điêu khắc. Ra trường và lên công tác nơi vùng cao Hướng Hóa, nét đẹp đơn sơ mộc mạc nhưng cũng rất đỗi hoang dã cùng với những nét đẹp của bản sắc văn hóa nơi vùng cao này đã trở thành chất xúc tác đặc biệt, cho anh nguồn cảm hứng bất tận để sáng tác. Để cho tác phẩm mình thêm phần sống động, có hồn và đậm chất vùng cao, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, anh Hùng lại về với bản làng, cùng ăn cùng ở, gần gũi trò chuyện và tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của bà con dân bản. Qúa trình thâm nhập thực tế đó đã cho anh nguồn tư liệu quý giá, những cung bậc cảm xúc chân thật nhất.

                                  Thầy Hùng (áo trắng) bên tác phẩm điêu khắc, mang hơi thở và đậm hồn cốt của văn hóa vùng cao

  Anh Nguyễn Văn Hùng tâm sự: “Qua quá trình công tác, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa, tôi nhận thấy có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Cô cần được giữ gìn và cần được giới thiệu rộng rãi cho mọi người tìm hiểu. Tôi đã cố gắng thể hiện những gì mình biết thông qua các tác phẩm điêu khắc của mình, với mong muốn được giới thiệu với bạn bè khắp nơi về bản sắc độc đáo đó. Mặc dù có những lúc khó khăn, như giá vật liệu quá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm điêu khắc hạn chế… thế nhưng tôi vẫn quyết không từ bỏ đam mê, bởi tất cả tình yêu của tôi dành cho văn hóa vùng cao đều được tôi gói ghém và gửi gắm qua các tác phẩm điêu khắc này”.

Từ những vật liệu gỗ thô, có khi chỉ là những  gộc cây, tấm gỗ không còn giá trị sử dụng, nhưng bằng sự am hiểu sâu sắc cùng những tình cảm đặc biệt, anh Hùng đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc xuất sắc, mang hơi thở và đậm hồn cốt của văn hóa vùng cao. Khai thác về lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động của cuộc sống thường ngày, anh đã sáng tác nhiều đề tài mang tính đặc trưng như: Nhịp điệu vùng cao, Hồn việt, Tĩnh lặng, Bản sắc vùng cao, Người Vân Kiều, Cô gái vùng cao…  Chính chất riêng biệt và độc đáo của các tác phẩm điêu khắc đó, anh Hùng đã được mời tham gia triển lãm tác phẩm nghệ thuật nhiều nơi. Năm 2018 anh được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và năm 2019 được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó đã mở ra cho anh rất nhiều cơ hội để tham gia các sự kiện chính trị, sự kiện văn hóa - xã hội khắp các tỉnh thành, tham gia dự thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc đem về nhiều giải thưởng danh giá. Tiêu biểu như  tác phẩm “Tĩnh lặng” và tác phẩm “ Bản sắc vùng cao” đều đạt giải B tại Cuộc thi Văn học nghệ thuật với chủ đề “Quảng Trị 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, 1972- 2022”;  Tác phẩm “Nhịp điệu vùng cao” đạt giải Khuyến khích tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2016; Tác phẩm “Hồn Việt” đạt giải A tại Triển lãm mỹ thuật ngành giáo dục đào tạo lần thứ nhất, chủ đề “Quảng Trị 30 năm đổi mới và phát triển” và một số giải thưởng khác.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “ Hiện tại tôi đang tập trung sáng tác tác phẩm điêu khắc tham dự giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc được tổ chức vào tháng 8 năm nay, đề tài tôi sẽ chọn cũng sẽ là về bản sắc văn hóa vùng cao. Tôi cũng đang ấp ủ dự định sẽ phối hớp với một số người bạn mở các cuộc triển lãm quy mô vừa phải tại địa phương, nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa Vân Kiều,Pa Cô. Đồng thời tôi cũng sẽ nghiên cứu để lồng ghép giới thiệu các tác phẩm này cho các em học sinh của tôi, để các em hiểu hơn, thêm yêu và quý trọng đồng thời có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

                                                                                                                          T.H

Đang truy cập: 4068

Hôm nay: 8,346

Trong tuần: 101,617

Trong tháng: 134,238

Tổng lượt truy cập: 5,437,842