Tin tức - Sự kiện

Mới đầu chỉ sở hữu diện tích đất gần 1hecta, từ nguồn tích cóp cùng vay vốn khởi nghiệp, Bảo quyết định mua thêm đất để làm nông nghiệp. Đến nay, anh đã sở hữu diện tích đất hơn 3hecta, trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như gừng, khoai tía xen các loại cây ăn quả lâu năm như bơ, mít… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các loại cây đem đến cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Những năm trở lại đây, thay vì chọn những thành phố lớn hoặc rời quê hương đến các công ty, nhà máy để khởi nghiệp, nhiều thanh niên tại huyện Hướng Hóa đã quyết định lập nghiệp, khởi nghiệp trên quê hương. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Sau nhiều năm đi làm ăn xa, năm 2019, anh Nguyễn Đình Bảo ở khóm 1, thị trấn Khe Sanh quyết định trở về quê hương, phát triển kinh tế trên vườn rẫy gia đình. Mới đầu chỉ sở hữu diện tích đất gần 1hecta, từ nguồn tích cóp cùng vay vốn khởi nghiệp, Bảo quyết định mua thêm đất để làm nông nghiệp. Đến nay, anh đã sở hữu diện tích đất hơn 3hecta, trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như gừng, khoai tía xen các loại cây ăn quả lâu năm như bơ, mít… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các loại cây đem đến cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Với tinh thần mạnh dạn, ham học hỏi, anh Bảo tiếp tục đầu tư nuôi dúi má đào, đem lại thu nhập ổn định. Anh Bảo chia sẻ: “Bản thân tôi đã đi nhiều nơi với mong muốn kiếm việc làm nâng cao thu nhập. Song tôi nhận thấy không nơi nào lập nghiệp lý tưởng hơn ở quê hương mình nên quyết tâm trở về để làm giàu từ trồng cây ăn quả, cây màu. Sau 4 năm về quê, mô hình của gia đình tôi đã cho kết quả khả quan, đem lại nguồn thu ổn định nên tôi sẽ cố gắng hơn nữa để  làm giàu trên mảnh đất quê hương mình chứ không phải đi đâu xa.”


                                             Thanh niên Nguyễn Đình Bảo phát triển kinh tế trên vườn rẫy của gia đình


Từng tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Huế, ngành điện tử viễn thông, anh Lê Văn Hóa ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp nhận thấy khó có thể tìm được một công việc phù hợp nên đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên do ảnh hưởng của Covid-19, công việc bấp bênh, phải về nước trước thời hạn. Tháng 11 năm 2020, sau khi trở về nước với số tiền tích góp được từ 3 năm xuất khẩu lao động tại Nhật, chàng trai trẻ sinh năm 1992 Lê Văn Hóa quyết định đầu tư mở trang trại chăn nuôi heo bản theo hướng hữu cơ, khép kín. Khu trang trại được xây dựng trên thửa đất hơn 500m2 được bố trí  bài bản, khoa học phù hợp với từng lứa tuổi đàn heo gồm: Khu xử lý thức ăn, khu nuôi heo, hầm nước thải, lắp đặt hệ thống nước uống tự động… Khu trang trại khép kín của Hóa có 20 lợn nái, gần 100 lợn giống và lợn thịt. Mỗi tháng, 20 lợn nái đang độ tuổi sinh sản cho ra khoảng 30 heo con, rồi tiếp tục được nuôi cho đến khi bán thịt. Sau khi trừ chi phí, trang trại của Lê Văn Hóa đem về thu nhập bình quân từ 12 – 15 triệu đồng/tháng. Ngoài nuôi heo bản đem lại thu nhập ổn định, hiện tại khu trang trại của mình, Hóa còn nuôi thêm ngan, gà, nuôi bồ câu thịt… để tăng thêm thu nhập. Hóa cho rằng: “Về quê khởi nghiệp bước đầu gặp nhiều khó khăn, song tôi luôn có quyết tâm “đã không làm thuê xứ người thì về làm chủ ở quê mình”. Sau 3 năm, đến nay, tôi đã xây dựng thành công trang trại nuôi lợn bản theo hướng hữu cơ, khép kín. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm để mở rộng mô hình, đem lại nguồn thu nhập cao hơn trong thời gian tới.”

Có thể thấy, trong những năm qua, nền kinh tế của huyện Hướng Hóa từng bước phát triển, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các đoàn viên, thanh niên. Mặc dù hành trình khởi nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực, đã mạnh dạn khởi nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 120 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó 70% mô hình thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Anh Nguyễn Anh Cư, Bí thư huyện đoàn huyện Hướng Hóa cho biết: “Những năm trở lại đây, bên cạnh một số thanh niên lựa chọn lập thân lập nghiệp ở những thành phố lớn hay nhà máy thì rất nhiều thanh niên đã lựa chọn mảnh đất quê hương Hướng Hóa để làm nông nghiệp, phát triển kinh tế. Đặc biệt nhiều bạn sau khi học xong các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp trên cả nước đã đem những kiến thức trở về để xây dựng các mô hình kinh tế, đem lại nguồn thu ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Có thể xem là những điển hình tiêu biểu trong lập thân lập nghiệp của thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.”


                                                                                                    Bích Liên
                                                      

 

 

Đang truy cập: 4148

Hôm nay: 20,378

Trong tuần: 113,649

Trong tháng: 146,270

Tổng lượt truy cập: 5,449,874