Đan lát mây
tre là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ đã biến những nhánh tre rừng thành những vật dụng
chắc chắn, đẹp mắt, phục vụ cho nhu cầu
sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Ngày nay, cuộc sống dần hiện đại hóa nên
nghề đan lát trong vùng dân tộc thiểu số không còn phổ biến. Với mục đích bảo tồn,
gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, thời gian gần đây, Hội phụ nữ
huyện Hướng Hóa đã tích cực vận động hội viên học nghề đan lát, vừa tạo việc
làm lúc nông nhàn, tăng thêm nguồn thu nhập đồng thời góp phần bảo tồn và gìn giữ nghề tuyền thống được coi
là nét đẹp văn hóa của dân tộc Vân Kiều. Pako. Hướng Tân là một trong những xã vùng đồng bào DTTS có phong trào đan lát trong hội phụ nữ phát triển khá. Với trên 400 hội viên, thì có trên 20% hội viên Hội phụ nữ xã Hướng Tân biết nghề đan lát và thường xuyên đan. Một số chị em được truyền nghề từ các thế hệ trước, sau đó các hội viên tự học hỏi lẫn nhau. Dần dần thành phong trào hỗ trợ, động viên nhau cũng lưu giữ nghề truyền thống này trong hội phụ nữ từ thôn bản.

Chị Hồ Thị Ca
Roong là hội viên chi hội phụ nữ thôn Trằm, xã Hướng Tân. Mặc dù sản phẩm của
chị không đa dạng và bắt mắt bằng những hội viên khác, nhưng chị vẫn duy trì
thường xuyên 2 năm nay. Chị Ca Roong cho biết: “Vì rất muốn biết nghề truyền thống
của dân tộc mình, nên cách đây 2 năm, tối nào tôi cũng đến các hộ hội viên khác
để xem và học hỏi, nhờ các hội viên khác trong thôn bày vẽ. Tôi biết đan cũng
nhanh, tranh thủ thời gian buổi tối rảnh, tôi đan các vật dụng trong gia đình
và cho con cháu dùng. Các sản phẩm chủ yếu là A đư và Tro ( gùi) dùng để lên
nương lên rẫy hái tiêu, cà phê hoặc củi…”
Chị Hồ Thị
Sương, chủ tịch Hội phụ nữ xã Hướng Tân cho biết thêm:
Các sản phẩm
đan lát của chị em phụ nữ Hướng Tân chủ yếu để phục vụ nhu cầu cuộc sống gia
đình và làng bản. Một số được xuất bán khi có đơn đặt hàng. Chị em trong Hội
thường xuyên vận động học hỏi lẫn nhau để ngày càng có nhiều chị biết đan và sản
phẩm ngày càng đẹp hơn, mong muốn sau này được đưa ra thị trường rộng rãi”.
Trong 14 xã
vùng DTTS, thì nhìn chung ở xã nào Hội Phụ nữ cũng duy trì được nghề đan lát,
nhiều nhất là xã Hướng Tân, xã Xy, xã Lìa… Nguồn nguyên vật liệu chính đó là
mây và tre rừng. Sản phẩm chủ yếu đó là các vật dụng trong đời sống thường ngày
của người Vân Kiều, Pa Kô, như pa điền
xang ( mâm đựng cơm), a chói ( gùi), a dăng ( gùi đeo nhỏ), a đư ( dụng cụ đựng
dao khi đi rừng), a điền ( típ đựng cơm).v.v.v.. Bằng đôi bàn tay khéo léo và đầu
óc sáng tạo, chị em phụ nữ tại các xã vùng cao Hướng Hóa đã tạo nên những sản
phẩm bền chắc, thẩm mỹ. Ngoài phục vụ nhu cầu cuộc sống gia đình thì một số sản
phẩm đã được bán ra thị trường trong ,ngoài huyện, và bán cho các dự án Phi
chính phủ theo đơn đặt hàng, với giá bình quân 150.000- 300.000đ/ sản phẩm. Tuy
nguồn thu nhập đem lại từ nghề đan lát truyền thống là không cao, thế nhưng với
mục đích bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS , Hội Phụ nữ
huyện Hướng Hóa đã tích cực vận động hội viên duy trì nghề đan lát. Bằng cách
đưa nội dung bảo tồn nghề đan lát vào
phong trào phụ nữ thi đua lao động sản
xuất, phụ nữ khởi nghiệp làm giàu chính đáng.v.v…Hội phụ nữ các cấp ở Hướng Hóa
đã tạo được phong trào thi đua, động viên chị em hội viên giữ gìn và phát huy
nghề đan lát.
Chị Hồ Thị Thủy,
Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, Hội phụ nữ huyện
sẽ phối hợp với các chương trình dự án phi chính phủ đóng trên địa bàn hỗ trợ
các mô hình sản xuất, mô hình lao động việc làm trong đó chú trong đưa nghề đan
lát truyền thống của đồng bào DTTS vào chương trình, nhằm có kế hoạch đầu tư, hỗ
trợ cho chị em phụ nữ được học nghề, rèn luyện và có đầu ra cho sản phẩm đan
lát. Qua đó góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.”
Trong dòng chảy
của cuộc sống hiện đại, nghề đan lát của đồng bào DTTS ở Hướng Hóa đứng trước
nguy cơ bị “lỗi nhịp” dẫn đến mai một dần. Những nỗ lực của Hội phụ nữ huyện Hướng
Hóa đang là một trong những giải pháp tích cực góp phần bảo tồn và gìn giữ nghề
truyền thống này, góp phần vào quá trình giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản săc
văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây tỉnh Quảng Trị.
Thanh Huyền