Sự bùng nổ của hệ thống truyền thông
nghe - nhìn đã và đang tác động mạnh, sâu sắc, hình thành thói quen tiêu dùng,
nhu cầu thụ hưởng văn hóa mới của công chúng. Văn hóa đọc đang bị lấn lướt bởi
văn hóa nghe - nhìn. Bên cạnh đó vai trò của hệ thông thư viện công cộng chưa
được phát huy; vốn tài liệu, cơ sở vật vật chất còn thiếu, hiện tượng “vừa thừa,
vừa thiếu sách” ở các thư viện đang diễn ra, đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn
đến hậu quả giảm sút văn hóa đọc.
Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ
lâu dài và cấp bách hiện không chỉ riêng đối với hệ thống thư viện công cộng mà
cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Phát triển văn hóa đọc là hướng việc đọc sách
trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của
cá nhân, gia đình, cộng đồng; là làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu
thiết yếu, trở thành nền nếp của gia phong, dòng tộc và ở phạm vi lớn hơn là trở
thành chuẩn mực văn hóa quốc gia. Việc tạo dựng một môi trường văn hóa đọc hấp
dẫn, trong đó không gian đọc, tài liệu đọc, phương tiện hỗ trợ đọc được chú trọng
sẽ tạo động lực kích thích sự ham muốn đọc và khám phá thế giới tri thức của mỗi
cá nhân, nhóm người, cộng đồng xã hội, đó chính là phát triển văn hóa đọc. Phát
triển văn hóa đọc là chuyển hành vi đọc cá nhân thành hành vi đọc của cộng đồng,
đó là sự lan tỏa văn hóa có ý nghĩa thiết thực khi hành vi đọc của một cá nhân
trở thành điểm sáng, dấu ấn đẹp để nhiều người học tập và cùng hành động. Phát
triển văn hóa đọc là việc tạo nên sự lan tỏa, thẩm thấu văn hóa giữa các cá
nhân trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Mỗi cá nhân, trong quá trình đọc sách, đã
tạo nên một tiềm năng văn hóa, tiềm năng văn hóa ấy mãi mãi sẽ chỉ là tiềm năng
nếu cá nhân này không tiếp xúc, giao lưu với cá nhân khác. Sự tiếp xúc, giao
lưu đã làm cho văn hóa thẩm thấu, lan tỏa trong bản thân mỗi cá nhân và cả cộng
đồng. Điều đó làm cho con người tồn tại và phát triển được là nhờ có văn hóa.
Vì vậy, cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc phát triển văn hóa
đọc vẫn luôn được đặc biệt coi trọng bởi nó là sự kết nối giữa truyền thống và
hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói
chung và giới trẻ nói riêng.
Phan Thị Ánh Nga